Động từ_Bài 25: Câu bị động (Passiv)

Câu bị động (Passiv) deutschduonghoang

Sách “Ngữ pháp tiếng Đức giải thích đơn giản” dày 463 trang in màu tổng hợp đầy đủ kiến thức ngữ pháp từ A1 đến C1.

Sơ lược chung về câu bị động (Passiv)

Trước khi đi vào tìm hiểu câu bị động (Passiv) ta sẽ đi tìm hiểu về câu chủ động (Aktiv)

1. Câu chủ động (Aktiv) là câu có chủ ngữ chỉ người hoặc vật thực hiện một hành động hướng vào người hoặc vật khác.

Câu chủ động nhấn mạnh người hoặc vật gây ra hành động.

Ví dụ:

 Der Mechaniker repariert das Auto: Người thợ cơ khí sửa chiếc xe ô tô.

Phân tích:

Ở trong câu trên, chủ ngữ là “der Mechaniker” (thợ cơ khí) tác động một hành động “repariert” (sửa chữa) vào một vật khác “das Auto” (chiếc xe ô tô).

Câu chủ động trên nhấn mạnh vào “der Mechaniker” (thợ cơ khí) là người gây ra hành động.

2. Ngược lại với câu chủ động, câu bị động (Passiv) là câu có chủ ngữ chỉ người hoặc vật không thực hiện hành động, mà bị chịu tác động của hành động.

Câu bị động không quan trọng người hoặc vật gây ra hành động, mà tập trung nhấn mạnh vào hành động được thực hiện.

Ví dụ:

 Das Auto wird (vom Mechaniker) repariert: Chiếc xe ô tô được sửa chữa (bởi thợ cơ khí).

Phân tích:

Ở trong câu trên, chủ ngữ là “das Auto” (chiếc xe ô tô) bị chịu tác động của hành động “wird repariert” (được sửa chữa)

Câu bị động trên nhấn mạnh vào hành động được thực hiện “wird repariert” (được sửa chữa), mà không quan trọng ai là người thực hiện hành động đó.

Khi nào sử dụng câu bị động (Passiv)

1. Khi người thực hiện hành động không biết rõ là ai.

Ví dụ:

• Mein Geld wurde gestohlen: Tiền của tôi đã bị đánh cắp

Ở câu trên ta không biết rõ được ai là người đã đánh cắp tiền của tôi.

2. Khi không quan trọng ai là người thực hiện hành động.

Ví dụ:

 Die Sitzung wurde auf nächste Woche verschoben: Cuộc họp đã được hoãn đến tuần tiếp theo.

Ở câu trên ta thấy điều quan trọng là cuộc họp đã được hoãn, còn người nào hoãn thì không quan trọng.

3. Khi người thực hiện mang tính chung chung, không cụ thể là ai cả.

Ví dụ:

 In Deutschland wird viel Schokolade gegessen: Ở Đức nhiều sô cô la được ăn.

Ở câu trên ta thấy người ăn sô cô la ở Đức mang tính chung chung, đại trà, có thể là bất kỳ ai, không cụ thể một ai cả.

4. Khi mô tả một quá trình xảy ra.

Ví dụ:

 Der Kuchen wird gebacken: Bánh đang được nướng.

Ở câu trên mô tả quá trình chiếc bánh đang được nướng.

Các dạng câu bị động (Passiv)

Câu bị động có 2 dạng:

1. Vorgangspassiv (câu bị động quá trình): dùng để nhấn mạnh quá trình hành động đang xảy ra.

Cấu trúc của Vorgangspassiv: werden + Partizip 2

2. Zustandspassiv (câu bị động trạng thái): dùng để mô tả kết quả của hành động đã kết thúc.

Cấu trúc của Zustandspassiv: sein + Partizip 2

Để hiểu rõ hơn về hai dạng bị động này, hãy cùng phân tích ví dụ sau.

Ví dụ 1: So sánh sự khác biệt giữa 2 câu bị động sau

 Câu 1: Die Eier werden gekocht: Những quả trứng đang được nấu. (Vorgangspassiv)

• Câu 2: Die Eier sind gekocht: Những quả trứng đã được nấu. (Zustandspassiv)

Phân tích:

Ở câu 1: “Những quả trứng đang được nấu” mô tả quá trình những quả trứng vẫn đang được đun nấu ở trong nồi. Những quả trứng đó có thể chín hay chưa chín ta vẫn chưa hề được biết.

Ở câu 2: “Những quả trứng đã được nấu” mô tả kết quả những quả trứng đã được nấu xong.

So với câu 1 ta thấy được ta chỉ có thể ăn được những quả trứng đã  nấu xong ở câu số 2, vì ở câu 1 trứng còn đang được nấu, chưa ăn được.

Qua đó ta có thể thấy rõ được sự khác nhau giữa Vorgangspassiv và Zustandspassiv.

Chú ý: Hầu hết các động từ được sử dụng ở Vorgangspassiv (bị động quá trình). Ở ví dụ trên ta có thể thấy được động từ “kochen” có thể vừa được dùng để mô tả quá trình vừa được dùng để mô tả kết quả. Thứ gì đó đang được nấu và thứ gì đó đã được nấu xong. Tuy nhiên điều đó không đúng cho tất cả các trường hợp. Một số động từ có trường hợp ngoại lệ. Hãy quan sát ví dụ 2 ở dưới đây.

Ví dụ 2:

Ta có động từ “schicken” (gửi).

Trong khi ta có thể mô tả quá trình thứ gì đó đang được gửi đi, ta lại không thể mô tả được kết quả của thứ gì đó đã gửi xong.

Do đó ta không thể viết với Zustandspassiv như sau:

Cách viết sai: Der Brief ist geschickt: Bức thư đã được gửi xong.

Ta chỉ có thể viết với Vorgangspassiv như sau:

Cách viết đúng: Der Brief wird geschickt: Bức thư đang được gửi.

Những động từ không thể hình thành câu bị động (Passiv)

Không phải tất cả các động từ đều có thể hình thành câu bị động (Passiv). Chúng sẽ được liệt kê ở các nhóm ở dưới đây:

1. Tất cả các động từ phản thân (Reflexive Verben)

Một số động từ phản thân như: sich interessieren, sich treffen, sich putzen, sich konzentrieren,….

Ví dụ:

Ich wasche mich: Tôi tự tắm cho mình.

Ở câu trên, hành động “wasche” (tắm) đang tác động ngược lại người gây ra hành động “ich” (tôi), mà không phải là người hay vật khác.

Do đó ta thấy không có người hay vật nào khác thực hiện hành động “wasche” lên tôi.

Vì vậy không thể hình thành câu bị động (Passiv).

2. Những động từ sử dụng “sein” ở thì hiện tại hoàn thành (Perfekt):

a) Những động từ mô tả sự chuyển động (Verben der Fortbewegung) như: gehen, laufen, fliegen, fahren, kommen, reisen…

Ví dụ:

Ich bin zur Schule gegangen: Tôi đã đi đến trường học.

Ở câu trên, tôi chỉ có thể đi đến bởi chính tôi chứ không phải người nào khác.

Do đó ta thấy không có người nào khác thực hiện hành vi đến cho tôi.

Vì vậy không thể hình thành câu bị động (Passiv).

b) Những động từ mô tả sự thay đổi trạng thái (Verben der Zustandsänderung) như: aufwachen, aufstehen, einschlafen, sterben, entstehen…

Ich bin um sechs Uhr aufgestanden: Tôi đã thức dậy vào lúc 6 giờ.

Ở câu trên, tôi chỉ có thể thức dậy bởi chính tôi chứ không phải người nào khác.

Do đó ta thấy không có người nào khác thực hiện hành vi thức dậy cho tôi.

Vì vậy không thể hình thành câu bị động (Passiv).

3. Những động từ mô tả sự sở hữu

Một số động từ mô tả sự sở hữu như: haben, besitzen, bekommen, …

Ví dụ:

Ich habe einen Hund: Tôi có một con chó.

Câu trên chỉ mô tả một trạng thái (là sở hữu một thứ gì đó) thay vì mô tả một hành động.

Trong câu bị động (Passiv) thì hành động mới là điều quan trọng.

Vì vậy không thể hình thành câu bị động (Passiv).

4. Nhóm động từ với “wissen”

Một số động từ cùng nhóm với “wissen” như: kennen, erfahren…

Ví dụ:

Ich kenne dieses Lied: Tôi biết bài hát này.

Câu trên chỉ mô tả một điều kiện thay vì mô tả một hành động.

Trong câu bị động (Passiv) thì hành động mới là điều quan trọng.

Vì vậy không thể hình thành câu bị động (Passiv).

5. Động từ khuyết thiếu

Những động từ khuyết thiếu như: können, wollen, dürfen, sollen, müssen, möchten.

Ví dụ:

Ich muss arbeiten: Tôi phải làm việc.

6. Động từ nguyên thể không đi kèm với zu

Một số động từ nguyên thể không đi kèm với zu như: gehen, fahren, kommen, sehen, hören, helfen, bleiben, lassen…

Ví dụ:

Sie sieht uns kommen: Cô ấy thấy chúng tôi đang đến.

7. Các cụm danh – động từ (Nomen-Verb-Verbindungen)

Khi trong câu chủ động có xuất hiện các cụm danh – động từ thì câu chủ động đó cũng không thể biến đổi thành câu bị động được.

Một số cụm danh – động từ có thể kể đến như: Spaß machen, keine Ahnung haben, Bescheid sagen, einen Vorschlag machen, einen Auftrag bekommen,…

Ví dụ:

Es macht Spaß, mit ihm zu arbeiten: Thật vui khi được làm việc với anh ấy.

Sách “Ngữ pháp tiếng Đức giải thích đơn giản” dày 463 trang in màu tổng hợp đầy đủ kiến thức ngữ pháp từ A1 đến C1.

Các bài viết liên quan

2 thoughts on “Động từ_Bài 25: Câu bị động (Passiv)

  1. Ndg says:

    có cấu trúc passiv mit modalverb mà sao trên lại nói những động từ không thể hình thành câu bị động có cả động từ khuyết thiếu thế là sao ạ

    • Dương Hoàng says:

      Chào em, cảm ơn câu hỏi của em
      Động từ khuyết thiếu là 1 trường hợp đặc biệt.
      Bài viết này đang đề cập đến những trường hợp ở câu bị động thông thường là có thể biến đổi về werden + Partizip 2 hoặc sein + Partizip 2.
      Ví dụ:
      Câu chủ động: Ich kann kochen.
      Động từ kann ở đây sẽ không biến đổi được về dạng thông thường werden (sein) + Partizip 2.
      Tuy nhiên, trong tiếng Đức, người ta vẫn muốn xây dựng cấu trúc câu bị động với động từ khuyết thiếu. Cho nên họ đã xây dựng ra các công thức ngoại lệ riêng cho động từ khuyết thiếu.
      Em có thể đọc thêm bài viết về Passiv mit Modalverben tại đây nhé:
      https://deutschduonghoang.com/bi-dong-voi-dong-tu-khuyet-thieu/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tải bản đọc thử